Hành pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cơ quan hành pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được gọi là Chính phủ.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời

Thành lập

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Mặt trận Việt Minh thu hút nhiều đảng phái nhanh chóng cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim và lực lượng quân đội Đế quốc Nhật Bản. Tại một số khu vực, khi mặt trận Việt Minh cướp chính quyền thì xảy ra xung đột với các nhóm vũ trang của Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng do các bên đều cùng theo đuổi mục tiêu buộc Đế quốc Việt Nam bàn giao chính quyền cho mình[53].

Tổ chức chính quyền đầu tiên là Chính phủ Cách mạng Lâm thời, thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1945 trên cơ sở Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Việt Minh thành lập trong Cách mạng tháng Tám. Chính phủ Cách mạng Lâm thời tuyên bố "Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm đại biểu của các chính đảng. Thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức." đồng thời kêu gọi "Vận mệnh ngàn năm của dân tộc đang quyết định trong lúc này. Toàn thể quốc dân hãy khép chặt hàng ngũ, đứng dưới lá quốc kỳ, làm hậu thuẫn cho Chính phủ lâm thời, đặng nắm chắc tự do độc lập, cải tạo tổ quốc bấy nhiêu lâu đã bị bọn giặc nước tàn phá. Cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc đang tiếp tục. Bước đường giải phóng dân tộc còn nhiều chông gai hiểm trở. Quốc dân hãy sẵn sàng nghe hiệu lệnh của Chính phủ, hy sinh phấn đấu bảo vệ quyền độc lập hoàn toàn" [54]. Cựu hoàng Bảo ĐạiGiám mục Lê Hữu Từ được mời làm Cố vấn Tối cao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hoạt động

Ngay sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ban hành các sắc lệnh giải tán một số đảng phái[55][56], với lý do các đảng này "tư thông với ngoại quốc", làm "phương hại đến nền độc lập Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam" (như Việt Nam Quốc xã, Đại Việt Quốc dân đảng...) nhằm kịp thời trừng trị "bọn phản cách mạng", "bảo vệ" chính quyền non trẻ đồng thời "giáo dục ý thức về tinh thần cảnh giác" cho nhân dân[57]. Cùng với đó là giải tán các nghiệp đoàn[58] để kiểm soát nền kinh tế[59], thống nhất các tổ chức thanh niên (vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam). Đồng thời Chính phủ cũng ban hành sắc lệnh thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp.

Trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời (3 tháng 9 năm 1945), toàn bộ các thành viên trong chính phủ đã thống nhất các phương pháp Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh để giải quyết các vấn đề cấp bách của nước mới, bao gồm[60]:

  1. Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói.
  2. Mở phong trào chống nạn mù chữ.
  3. Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân.
  4. Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại.
  5. Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
  6. Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Nạn đói năm Ất Dậu tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 khiến khoảng 2.000.000 người chết đói[61]. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức lễ phát động phong trào cứu đói tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chính phủ còn phái một ủy ban vào Nam bộ tổ chức vận chuyển gạo ra Bắc. Chính phủ cũng kêu gọi các hội buôn và người dân tham gia vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc. Việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc chỉ thực hiện được trong tháng 9 năm 1945 với số lượng không quá 30.000 tấn do chiến tranh bùng nổ khi Pháp đưa quân đội vào Nam Kỳ. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo". Chính phủ cũng chi ngân sách sửa chữa các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới. Cho đến đầu năm 1946, hệ thống đê tại miền Bắc đã sửa xong[62].

Để giải quyết tận gốc nạn đói, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kêu gọi nhân dân tăng gia sản xuất. Chính phủ còn vận động tư nhân cho mượn các vườn trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Mỗi địa phương lập ra một tiểu ban để huy động nhân lực và tổ chức sản xuất, lương thực làm ra được dùng để cứu tế. Cuối năm 1945 đầu 1946 không còn kịp thời vụ để trồng lúa nữa, nên chính phủ phát động dành phần lớn đất đai để tranh thủ trồng liên tiếp hai vụ màu (khoai lang, đậu, bắp...) bù cho phần lúa thiếu hụt. Kết quả sản lượng màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ trước năm 1945. Chỉ trong 5 tháng từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 5 năm 1946 đã đạt 614.000 tấn, tương đương 506.000 tấn lúa, đủ đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945[62].

Trong năm 1946, nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Ngày 2 tháng 9 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: "Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ". Giáo sư kinh tế Đặng Phong đánh giá việc giải quyết được nạn đói là lý do giải thích tại sao tuyệt đại đa số dân chúng đã tin và đi theo Việt Minh[62].

Một thành tựu khác của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ là xóa mù chữ. Năm 1945, có 95% dân số Việt Nam mù chữ. Trước thực trạng đó, để xóa mù chữ, từ ngày 8 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam, Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối, Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền. Để phục vụ chiến dịch xoá mù chữ, Nha Bình dân học vụ được thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1945. Ngày 4 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Chống nạn thất học gửi tới toàn dân: "...Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức, mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi." Các lớp học Bình dân học vụ được mở khắp nơi ở cả ba miền thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Người biết chữ dạy cho người không biết chữ. Đến tháng 9 năm 1946, phong trào Bình dân học vụ đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên, trên 2.500.000 người được phong trào dạy biết đọc, biết viết[63].

Theo Quyết nghị của Chính phủ, ngày 4 tháng 9 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký ban hành Sắc lệnh số 4 lập "Quỹ độc lập" với mục đích "để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia". Tiếp sau đó, cũng trong khuôn khổ Quỹ Độc lập, Chính phủ đã đề ra biện pháp tổ chức "Tuần lễ Vàng" từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 9 năm 1945[64]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nhân dịp "Tuần lễ Vàng", nêu rõ mục đích của việc lập quỹ là "thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng". Chính phủ đã huy động được tổng cộng 20 triệu đồng và 370kg vàng[65]. Ngân quỹ quốc gia đã có hàng trăm triệu đồng. Riêng tại Hà Nội, trong "Tuần lễ Vàng" nhân dân đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và các hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương[66]. Số tiền này được dùng để mua vũ khí của quân đội Nhật bị quân đội Trung hoa Dân quốc tịch thu và để hối lộ cho các tướng lĩnh Trung Hoa đang đóng quân tại miền Bắc Việt Nam[67].

Cùng các hình thức tổ chức "Quỹ Độc lập", "Tuần lễ Vàng", chính quyền cách mạng còn tổ chức nhiều hình thức khuyến khích để nhân dân có điều kiện tham gia đóng góp cho tài chính đất nước với hình thức tự nguyện như lập "Quỹ Kháng chiến", "Quỹ Bình dân học vụ", "Quỹ Giải phóng quân", "Ngày Nam Bộ"... Sự đóng góp, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân đã góp phần giải quyết khó khăn về tài chính của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chính phủ Liên hiệp Lâm thời

Thành lập

Nội các Chính phủ Liên hiệp Lâm thời

Tháng 9 năm 1945, 20 vạn quân Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 quân đoàn do tướng Lư Hán làm tổng chỉ huy, theo sự phân công của phe Đồng Minh chia làm hai đường tiến vào miền Bắc giải giáp quân Nhật đã kéo vào đóng quân ở Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị xã từ biên giới Việt-Trung đến vĩ tuyến 16. Quân của Tưởng Giới Thạch ngoài nhiệm vụ giải giáp quân Nhật còn nhằm thực hiện ý đồ tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan mặt trận Việt Minh, giúp các lực lượng đối lập đánh đổ chính quyền do Việt Minh thành lập, thiết lập chính quyền thân Tưởng[68].

Các tổ chức Việt Quốc (Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đứng đầu), Việt Cách (đứng đầu là Nguyễn Hải Thần) cũng nhanh chóng từ Trung Quốc đi cùng quân Tưởng trở về Việt Nam. Thành phần các đảng phái này trong nước không mạnh như Việt Minh[53][69].

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mục đích của Việt Quốc, Việt Cách để mở đường, tạo dựng cơ sở cho Quân đội Trung Hoa Dân Quốc vào Việt Nam[60], gây xung đột vũ trang với Quân Giải phóng và cướp chính quyền các địa phương[68][70]. Dựa vào quân đội Tưởng, Việt Quốc và Việt Cách đã chiếm giữ một số nơi ở Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái, liên tục thực hiện các vụ quấy nhiễu, cướp phá, giết người, rải truyền đơn, ra báo Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm nhằm vu cáo nói xấu Việt Minh, chống chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đòi gạt bỏ các bộ trưởng là đảng viên cộng sản ra khỏi chính phủ mới thành lập[68]. Cũng theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do sống từ lâu ở nước ngoài, lại không có liên hệ gì với phong trào cách mạng trong nước, nên Việt Quốc, Việt Cách không nhận được sự ủng hộ của người dân. Tại nhiều nơi có quân Tưởng và Việt Quốc, Việt Cách đi qua, các cơ quan chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang đều dãn ra xung quanh tránh xô xát lớn. Nhân dân thực hiện "vườn không, nhà trống". Điều này đã khiến cho quân Tưởng gặp nhiều khó khăn trên đường đi, còn Việt Quốc, Việt Cách cũng thất bại trong việc khuếch trương thanh thế cũng như mục đích của mình[71]. Còn theo sử gia Trần Trọng Kim thì Việt Quốc, Việt Cách tuy có thế lực nhờ quân đội Trung Hoa Dân Quốc hỗ trợ, nhưng không thống nhất và không có kỷ luật chặt chẽ[72], tuyên truyền nhiều mà không làm được việc gì đáng kể[73]. Thiếu tá tình báo Mỹ thuộc OSS, Archimedes L.A Patti nhận xét những người Quốc gia lưu vong chống cộng quyết liệt, có tham vọng nắm quyền lãnh đạo đất nước nhưng quá kém về tổ chức, thiếu sự liên kết chính trị, thiếu lãnh đạo và không có một chương trình hành động ra hồn mà chỉ hy vọng tạo ra một nước Việt Nam độc lập với sự giúp đỡ của Trung Quốc[74]. Sau khi thảo luận với các lãnh đạo Việt Cách và Việt Nam Quốc dân Đảng, ông nhận thấy những người này tuyệt nhiên không có ý tưởng nào về việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân, không một ai có khái niệm về công việc sẽ làm mà chỉ chăm chăm mục tiêu "chia sẻ quyền lực với Việt Minh". Ông ta nhận xét: "Họ (Việt Cách, Việt Nam Quốc dân Đảng) là những kẻ lạc hướng về chính trị, có lẽ vì sống quá lâu ở Trung Quốc" [75].

Tưởng Giới Thạch không có ý định dính líu vào cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Ông không muốn làm mất lòng Pháp vì Pháp là một cường quốc trong khối Đồng Minh. Ông chủ trương rút hết quân về nước ngay sau khi giải giáp Nhật. Ngược lại tướng Lư Hán xem lập trường của Tưởng là thiển cận vì đi ngược lại các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương đã được Trung Hoa Dân Quốc cam kết ủng hộ. Lư Hán chủ trương đóng quân tại miền Bắc Việt Nam lâu dài, đặt Việt Nam dưới sự bảo trợ của Trung Hoa Dân Quốc để Việt Nam có thể độc lập mà không cần đến sự ủng hộ của Pháp. Trong suốt thời gian đóng quân tại miền Bắc Việt Nam, Lư Hán dùng mọi khả năng của mình để làm thất bại mọi kế hoạch của Pháp giành lại quyền kiểm soát miền Bắc Việt Nam[76]. Người Pháp được đối xử như những người ngoại quốc khác, Pháp không được cử đại diện tham gia vào lễ đầu hàng của Nhật với tư cách một nước trong khối Đồng Minh, các chỉ huy Pháp tại Hà Nội cũng không được Lư Hán công nhận là đại diện của chính phủ De Gaulle. Bộ phận OSS của Mỹ tại miền Bắc Việt Nam (Nhóm Con nai) cũng từ chối giúp các chỉ huy Pháp thiết lập một hành dinh tại Việt Nam[77]. Trước đó OSS đã được lệnh của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt không để cho Pháp tái chiếm Đông Dương, không được cung cấp vũ khí hay tiếp tế cho Pháp ngoại trừ để thực hiện những mục tiêu chống Nhật đã được Đồng Minh tán thành[78].

Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng ủng hộ quan điểm của Lư Hán về việc Trung Quốc đóng quân lâu dài tại Việt Nam để hỗ trợ cho nền độc lập của Việt Nam còn Việt Cách lại ủng hộ quan điểm của Tưởng Giới Thạch rút hết quân đội Trung Hoa Dân Quốc về nước sau khi giải giáp Nhật để Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Nam với sự hỗ trợ của Trung Hoa Dân Quốc[79].

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 9 năm 1945, Việt Minh họp bí mật với Việt Cách (ngày 18 tháng 9) và Việt Quốc (ngày 19 tháng 9). Trong hai cuộc họp này, Nguyễn Hải Thần đại diện Việt CáchNguyễn Tường Tam đại diện Việt Quốc đề nghị Hồ Chí Minh đồng ý hợp nhất Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc. Qua đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Minh lãnh đạo sẽ nhận được sự ủng hộ về tài chính và chính trị của Trung Hoa Dân Quốc. Đối với lời đề nghị này, trong nội bộ Việt Minh có nhiều ý kiến khác nhau. Võ Nguyên Giáp không đồng ý vì cho rằng những đề nghị đó không có giá trị và không thật thà, chẳng khác gì thay thế chủ nghĩa thực dân Pháp bằng ách thống trị của Trung Quốc nhưng Hoàng Minh Giám lại nghĩ rằng việc hợp nhất Việt Minh với các đảng phái Quốc gia sẽ làm giảm bớt sự đối lập và tăng cường thế lực cho Việt Minh, làm người Trung Quốc yên lòng còn Pháp phải lo ngại, quan trọng nhất là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong con mắt của Đồng Minh, đặc biệt là Mỹ, là chính phủ thật sự dân chủ. Cuối cùng Việt Minh đã từ chối hợp nhất với Việt Cách và Đại Việt Quốc dân Đảng[80].

Điều làm Hồ Chí Minh lo ngại là trong một số giới, đặc biệt là tầng lớp trung lưu Việt Nam, người ta vẫn xem ông và Việt Minh là cộng sản vì thế ông phải làm mọi cách để thay đổi điều này[81]. Tháng 11 năm 1945, ông quyết định cho Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán. Về mặt công khai, đảng của ông không còn hiện diện mà chỉ có một bộ phận hoạt động dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương[82].

Ngày 19 tháng 11 năm 1945, tướng Tiêu Văn đứng ra tổ chức một cuộc hội nghị hòa giải có Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội và Việt Minh tham gia. Mặt trận Việt Minh đồng ý nhượng bộ với Việt Quốc, Việt Cách[53][83]. Lãnh đạo Việt Cách Nguyễn Hải Thần được bổ nhiệm vào ghế Phó Chủ tịch Chính phủ. Đồng thời hai ghế bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Vệ sinh, một ghế thứ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế được giao cho các thành viên của Việt Quốc, Việt Cách[84][85]. Tuy nhiên chức trách các Bộ cũng thay đổi. Bộ trưởng Quốc phòng trở thành nơi lo về tài chính mà không được xem xét danh sách nhân sự, quân số, súng đạn còn các Bộ trưởng khác của các đảng phái Quốc gia chẳng có chức trách cụ thể gì, không bao giờ được tham dự bất cứ buổi họp nào của nội các[86].

Ngày 1 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời được thành lập thay thế Chính phủ Cách mạng Lâm thời với sự tham gia của một số đảng phái đối lập (Việt Cách, Việt Quốc...) hoạt động ở Trung Quốc với sự bảo trợ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng[87].

Hoạt động

Các đại biểu Quốc hội khóa 1 chụp ảnh cùng Hồ Chủ tịch.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc, lần đầu tiên đã bầu ra Quốc hội và thông qua Hiến pháp. Nhiều đảng phái không có quyền tham gia Tổng tuyển cử đã tìm cách phá hoại[88]. Các đảng này cho là trúng cử chỉ là Việt Minh cộng sản, chính quyền trong tay nên Việt Minh muốn ai trúng cũng được[89]. Hai đảng đối lập trong Chính phủ là Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách) không tham gia bầu cử dù trước đó Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Nguyễn Hải Thần (lãnh tụ Việt Cách) và Vũ Hồng Khanh (lãnh tụ Việt Quốc) mời Việt Quốc và Việt Cách tham gia Tổng tuyển cử và đề nghị hai bên không công kích nhau bằng lời nói hoặc hành động cho đến ngày Quốc hội khai mạc[90]. Có nguồn cho là có những nơi lá phiếu không bí mật[91], cựu Thủ tướng Đế quốc Việt Nam Trần Trọng Kim cho rằng có nơi người dân bị cưỡng bách bầu cho Việt Minh[92]. Theo Việt Minh, cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng[93]. Mặc dù bị nhiều đảng phái tuyên truyền vận động dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử và ngăn cản việc tổ chức bầu cử ở một số nơi, nhưng tại các địa phương, ở đâu cũng có người tự ứng cử, các cuộc tiếp xúc tranh cử công khai, tự do diễn ra ở khắp mọi nơi[93].

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, sự thật hoàn toàn không như các đảng phái tuyên truyền. Nhiều đại biểu có uy tín của các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, dân tộc đều trúng cử tại Quốc hội khóa I hầu hết chưa là đảng viên[93].

Sau cuộc bầu cử, theo thỏa thuận với Việt Minh, phe đối lập bao gồm một số tổ chức như Việt Nam Cách mạng Đồng minh HộiViệt Nam Quốc dân Đảng được Trung Hoa Dân quốc ủng hộ, không tham gia Tổng tuyển cử nhưng vẫn được nắm 70 ghế Quốc hội cùng nhiều vị trí trong chính quyền trung ương do chính sách hòa hợp các đảng phái của Chính phủ. Trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định các đảng phái này lo sợ thất bại trước sức ủng hộ lớn của cử tri với Mặt trận Việt Minh nên không tham gia bầu cử[94].

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, theo đề nghị của Đoàn chủ tịch (Ngô Tử Hạ điều khiển, với Nguyễn Đình Thi làm thư ký), các ghế Quốc hội phân chia tả hữu, theo đó Việt Quốc, Việt Cách (cánh hữu) ngồi bên tay phải, và các đại biểu Việt Minh, Marxist, Xã hội, Dân chủ ngồi bên tay trái, nhưng theo ý kiến của chủ tịch Hồ Chí Minh thì không nên phân chia như vậy, thể hiện một sự đoàn kết trong Quốc hội.

Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến

Thành lập

Sau khi Quốc hội được bầu, ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập để thay thế Chính phủ Liên hiệp Lâm thời. Ở các địa phương, các cấp chính quyền liên hiệp được thành lập trong năm 1946.

Hoạt động

Trong thời gian hoạt động, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện các biện pháp, chính sách để giữ vững nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ non trẻ. Về đối nội đã kêu gọi các đảng phái đoàn kết phụng sự quốc gia, thực hiện các chính sách kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục...[95] Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn, sau này trở thành Bộ trưởng Công an, nhiệm vụ vô hiệu hóa các cuộc biểu tình do Việt Nam Quốc dân ĐảngViệt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội tổ chức nhằm chấm dứt hoạt động tuyên truyền của các đảng này trong dân chúng. Võ Nguyên Giáp kể lại: "Chúng tôi phải trừng trị bọn phá hoại... Nhưng bằng mọi giá phải tránh khiêu khích và đảm bảo không xảy ra xung đột lớn". Võ Nguyên Giáp dùng lực lượng tự vệ và các hội viên Hội Cứu Quốc phá các cuộc biểu tình này. Khi có lộn xộn, lính Trung Quốc bắn chỉ thiên, xông vào giải tán đám biểu tình để vãn hồi trị an. Việt Nam Quốc dân Đảng hoảng hốt khi người Trung Hoa không giúp được gì nhiều trong việc chống lại Việt Minh như họ mong đợi. Ông Nguyễn Duy Thanh, một người theo chủ nghĩa quốc gia buồn rầu nhớ lại: "Không có Trung Hoa ủng hộ, những đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia chẳng thể đối phó được với những người Cộng sản" [96]

Về đối ngoại đã thực hiện đàm phán với Chính phủ Pháp, ký với đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp J. Sainteny bản Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ngày 6 tháng 3 năm 1946 cho phép 15.000 quân Pháp ra Bắc thay thế cho 20 vạn quân Tưởng rút về nước. Sau khi bản Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt được ký ngày 6 tháng 3 năm 1946, các đảng phái không cộng sản và thân nước ngoài như Việt Quốc và Việt Cách đã lên tiếng phản đối Chính phủ ký hiệp định này với Pháp.

Từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 11 tháng 5 năm 1946 tại Đà Lạt, chính phủ tổ chức một hội nghị dự bị, gặp gỡ giữa 2 phái đoàn Việt và Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau chính thức vào tháng 7 năm 1946.

Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp theo lời mời của chính phủ nước này. Cùng ngày, phái đoàn chính phủ do Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng khởi hành. Trước khi đi, Hồ Chí Minh bàn giao quyền lãnh đạo đất nước cho Quyền Chủ tịch Nước là cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trước khi lên đường sang Pháp, Hồ Chí Minh dự đoán thời gian ở Pháp "...có khi một tháng, có khi hơn" [97] nhưng cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp 4 tháng trong lúc phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu tham dự Hội nghị Fontainebleau (diễn ra từ 6 tháng 7 tới 10 tháng 9 năm 1946). Hội nghị Fontainebleau không đem lại kết quả cụ thể nào. Sau khi phái đoàn của Việt Nam về nước, tại Pháp, ngày 14 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Pháp bản Tạm ước Việt - Pháp.

Ngày 15 tháng 6 năm 1946, người lính cuối cùng của quân đội Trung Hoa Dân Quốc rời khỏi Việt Nam[98]. Các thành viên Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng minh Hội mất chỗ dựa hậu thuẫn chính là quân đội Tưởng Giới Thạch và do bất đồng về việc ký Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ngày 6 tháng 3 cũng như không muốn sáp nhập quân đội vào biên chế Vệ quốc đoàn dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng do Việt Minh kiểm soát do lo sợ bị khống chế rồi bị giải tán dần đã lần lượt rút khỏi chính phủ Liên hiệp.[99] Lãnh tụ đảng Việt Cách là Nguyễn Hải Thần và các thành viên Việt Quốc - Việt Cách khác trong chính phủ như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và cánh thân Tưởng do Vũ Hồng Khanh lãnh đạo lưu vong sang Trung Quốc. Các đảng viên Đại Việt phần lớn vẫn ở lại Việt Nam chờ thời cơ[100]. Nguyễn Tường Tam với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị trù bị tại Đà Lạt, nhưng do bất đồng đã không tham gia hầu hết các phiên họp[101], sau đó cũng không tham gia Hội nghị Fontainebleau, cuối cùng rời bỏ chính phủ[99] (tài liệu nhà nước nêu Nguyễn Tường Tam thiếu bản lĩnh chính trị, lập trường bấp bênh, biển thủ công quỹ rồi đào nhiệm sang nước ngoài[102]). Việc các thành viên chủ chốt của Việt Quốc, Việt Cách như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh rời bỏ chính phủ, lưu vong sang Trung Quốc đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ hợp tác giữa Việt Minh và các đảng phái không cộng sản tại miền Bắc, trong công cuộc "kháng chiến kiến quốc" mà Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến là biểu tượng.

Sự có mặt của quân đội Tưởng Giới Thạch cho tới lúc đó đã đảm bảo sự tồn tại của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội. Hai đảng này không có một chương trình gắn kết với nhau để tranh thủ dân chúng như Việt Minh. Những người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội thì còn xa mới có được những phẩm chất có thể so sánh với Hồ Chí Minh, Võ Nguyễn Giáp và những người có trách nhiệm khác của Việt Minh. Khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam ngày 15 tháng 6 năm 1946, hiểu theo cách này hay cách khác, Võ Nguyên Giáp quyết định Việt Minh phải hoàn toàn một mình điều khiển bộ máy chính quyền. Võ Nguyên Giáp hối hả hành động ngay với mục tiêu rải khắp: Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội được Trung Hoa Quốc dân Đảng ủng hộ, Việt Nam Quốc dân Đảng (theo Cecil B. Currey tổ chức này mượn danh cách mạng của Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930 do Nguyễn Thái Học sáng lập[98] còn theo David G. Marr thì Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra sức tuyên truyền Việt Nam Quốc dân Đảng phản bội lại sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Thái Học năm 1930 nhưng đến cuối năm 1945 nhiều người dân vẫn không tin vào điều đó[103]), nhóm quốc gia thân Nhật Đại Việt, những người Trotskyist, những người quốc gia chống Pháp, nhóm Công giáo mang tên "chiến sĩ Công giáo". Võ Nguyễn Giáp đã từng bước tìm cách loại bỏ dần các đảng phái này. Ngày 19 tháng 6 năm 1946, Báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh đăng xã luận kịch liệt chỉ trích "bọn phản động phá hoại Hiệp định sơ bộ Pháp Việt mùng 6 tháng 3". Ngay sau đó Võ Nguyên Giáp bắt đầu chiến dịch truy quét các đảng phái đối lập bằng lực lượng công an và quân đội do Việt Minh kiểm soát với sự giúp đỡ của nhà cầm quyền Pháp. Ông cũng sử dụng các binh lính, sĩ quan Nhật Bản tình nguyện ở lại Việt Nam và một số vũ khí do Pháp cung cấp (ở Hòn Gai quân Pháp cung cấp cho Việt Minh những khẩu pháo để diệt một số vị trí do quân Đại Việt chiếm giữ) trong chiến dịch này[98].

Một trong những sự kiện nổi tiếng nhất trong chiến dịch trấn áp các đảng phái đối lập là vụ án phố Ôn Như Hầu. Sau khi từ Trung Quốc về Việt Nam, Việt Nam Quốc dân Đảng ngoài việc tìm cách lật đổ Việt Minh để cùng với các đảng phái Việt Cách, Đại Việt... chiếm chính quyền[104], Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng nhờ có vũ khí do Trung Hoa Dân Quốc chuyển giao còn tổ chức các đội vũ trang mang tên "Thần lôi đoàn", "Thiết huyết đoàn", "Hùm xám"... Các đội vũ trang này đã tổ chức nhiều vụ cướp có vũ trang, bắt cóc, tống tiền, tổ chức ám sát những người theo Việt Minh và cả những người trung lập như ông Ba Viên (Ba Viên bị Quốc dân Đảng nghi ngờ là gián điệp của Pháp, sau khi gặp Hồ Chí Minh, Ba Viên quay về Hà Giang, bắt giữ và hành quyết một số đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng[103]) rồi tuyên truyền đổ lỗi cho Việt Minh đã không đảm bảo được an ninh trật tự ở Hà nội và một số đô thị ở Bắc Bộ[105]. Không những thế đầu tháng 6 năm 1946, Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức cho Nghiêm Xuân Chi (đảng viên Việt Quốc) ám sát một số lãnh đạo của Việt Minh như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và ông Bồ Xuân Luật, một người cũ của Việt Cách nay đứng về phe Việt Minh[106]. Trước những hoạt động gây mất trật tự an ninh tại Hà Nội và một số thành phố ở Bắc Bộ, Sở Công an Bắc Bộ đã lập chuyên án mà sau này được lấy tên công khai là Chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu[105]. Trường Chinh (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, khi đó rút vào hoạt động bí mật, chức danh công khai là Hội trưởng Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương) được Nha Công an Trung ương báo cáo phát hiện được âm mưu của thực dân Pháp câu kết với Việt Nam Quốc dân Đảng đang chuẩn bị đảo chính Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã chỉ đạo phải tập trung trấn áp Việt Nam Quốc dân Đảng, nhưng phải có đủ chứng cứ.

Sáng sớm ngày 12 tháng 7 năm 1946, một tiểu đội công an do Lê Hữu Qua chỉ huy[107] bao vây khám xét trụ sở của Đảng Đại Việt tại số 132 Duvigneau, do nghi ngờ Đại Việt cấu kết với Pháp âm mưu tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đúng vào ngày Quốc khánh Pháp (14 tháng 7 năm 1946) khiến lính canh và các đảng viên Đại Việt không kịp phản ứng[108]. Khi thực hiện cuộc bao vây khám xét này, lực lượng công an chưa có chứng cứ cụ thể và chưa có lệnh của cấp trên nhưng vẫn tiến hành để các thành viên Đại Việt không có thời gian rút vào bí mật và tẩu tán truyền đơn, hiệu triệu lật đổ chính quyền. Tại trụ sở của Đại Việt, lực lượng công an đã tìm thấy nhiều truyền đơn, hiệu triệu chưa kịp tẩu tán cùng nhiều súng ống, lựu đạn[107]. Công an cũng được cho là đã phát hiện một bản kế hoạch có chữ ký của Trương Tử Anh, theo đó Đại Việt sẽ quăng lựu đạn vào lính Pháp gốc Phi trong ngày diễu binh của quân đội Pháp, tiếp đó quân đội Đại Việt hoặc quân đội Pháp sẽ bắt giữ những lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối cùng Trương Tử Anh sẽ công bố thành lập chính phủ mới[109]. Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Bắc bộ, đưa tài liệu này cho Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng. Ông này đọc rồi nói "Tiêu diệt chúng! Quét sạch toàn bộ! Lũ phản bội! Đồ chó má!". Tuy nhiên, tài liệu này là một bản dự thảo do Trương Tử Anh viết tay chỉ để sử dụng trong Đại Việt Quốc dân Đảng. Lê Giản không cung cấp được bằng chứng về sự thông đồng của Pháp với Đại Việt Quốc dân Đảng trong kế hoạch đảo chính ngày 14 tháng 7 năm 1946 ngoài việc Sainteny tiếp tục muốn tổ chức diễu binh vào ngày đó. Lê Giản tìm Võ Nguyên Giáp và được Giáp chỉ thị tấn công tất cả các văn phòng của Việt Quốc ở Hà Nội và các tỉnh[109].

Sau đó, lúc 7h sáng ngày 12 tháng 7 năm 1946, Việt Nam Công an vụ thực hiện phá vụ án phố Ôn Như Hầu. Chỉ đạo trực tiếp lực lượng công an phá vụ án này là các ông Lê Giản (Giám đốc Nha Công an Bắc Bộ), Nguyễn Tuấn Thức (Giám đốc Công an Hà Nội) và Nguyễn Tạo (Trưởng nha Điệp báo Công an Trung ương)[108]. Lực lượng công an xung phong đã thực hiện khám xét các trụ sở Việt Nam Quốc dân Đảng (7 căn nhà) tại Hà Nội, bắt tại chỗ nhiều thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng cùng nhiều tang vật như truyền đơn, vũ khí, dụng cụ tra tấn, đồng thời phát hiện nhiều xác chết tại đó,... Hơn 100 người bị bắt và một số người biến mất không dấu vết. Trong số các thành viên của Quốc dân Đảng bị bắt, có một đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa IPhan Kích Nam. Theo điều tra của Nha công an, Việt Nam Quốc dân Đảng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích rất nghiêm trọng. Dự định các thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng sẽ phục sẵn dọc đường quân Pháp diễu hành qua nhân ngày Quốc khánh Pháp, bắn súng, ném lựu đạn để tạo ra những chuyện rắc rối giữa Pháp và Chính phủ, gây sự phá hoại hòa bình rồi tung truyền đơn hô hào lật đổ chính quyền và sau đó đứng ra bắt tay với Pháp[100][109].

Ngày 16 tháng 7, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã có tuyên bố trấn an dư luận: "Những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng chân chính, được bảo đảm sự tự do hoạt động trong vòng pháp luật... Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát thì phải đem ra pháp luật nghiêm trị. Đây không phải là vấn đề đảng phái. Việc khám xét vừa rồi là việc phải làm để bảo vệ trị an...".[110]

Theo quy định của pháp luật thì Phó Chủ tịch nướcBộ trưởng do Quốc hội bầu, và chỉ phế truất bởi Quốc hội theo thủ tục quy định của pháp luật[111] Trong phiên điều trần trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai liên quan Tạm ước và một số thành viên rời Chính phủ, Hồ Chí Minh có nói:

Tạm ước này có ảnh hưởng tới các hiệp ước ký sau không? Trong xã hội loài người, có cái gì mà không ảnh hướng tới cái khác. Tuy vậy, những sự điều đình sau đây không thể vì bản tạm ước này mà bị ràng bó. Bản Tạm ước này tùy theo sự thi hành thế nào, sẽ tạo điều kiện đẩy cho những cuộc điều đình sau mau chóng đạt kết quả.Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, ông Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh, các ông ấy không có mặt ở đây. Lúc Nhà nước đương gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào trao người ấy làm công việc lớn mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Những người đã bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ năng lực gánh vác, nay chúng ta không có họ ở đây chúng ta cũng cứ gánh vác được như thường[112].

Dù vậy, một số thành viên Việt Quốc, Việt Cách như Chu Bá Phượng, Bồ Xuân Luật vẫn tiếp tục tham gia Chính phủ, kể cả khi lên Việt Bắc. Trương Đình Tri vẫn tiếp tục tham gia chính phủ sau Vụ án phố Ôn Như Hầu. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội, vẫn có 37 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách tham gia (tổng số 291 thành viên tham dự trong tổng số 444 thành viên đã mở rộng so với đầu năm). Cung Đình Quỳ tiếp tục tham gia Ban Thường trực Quốc hội.

Chính phủ Liên hiệp Quốc dân

Thành lập

Ngày 3 tháng 11 năm 1946 Chính phủ Liên hiệp Quốc dân nhiều thành phần được thành lập thay cho Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến nhằm đáp ứng tình hình mới.

Hoạt động

Trong thời gian kháng chiến, bộ máy hành chính các cấp có nhiều biến đổi. Tổ chức đơn vị hành chính Khu và Liên khu. Thành lập các Ủy ban Kháng chiến các cấp. Cấp Trung ương, thành lập Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia (1947), sau đổi là Bộ Tổng tư lệnh (1948) rồi Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh. Các cơ quan tư pháp cơ bản tổ chức theo cấp xét xử.

Chính phủ từ 1955 đến 1959

Ban đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính thể của nước Việt Nam thống nhất, nhưng thực tế sau năm 1954 thì chỉ quản lý từ Vĩnh Linh trở ra. Sau năm 1954, nhà nước bắt đầu đặt ra các mục tiêu cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ từ 1960 đến 1964

Chính phủ từ 1964 đến 1971

Chính phủ từ 1971 đến 1975

Chính phủ từ 1975 đến 1976

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://HistoryNet.com http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=... http://www.thirdworldtraveler.com/Insurgency_Revol... http://www.ucpressjournals.com/journal.asp?jIssn=1... http://www.vietbao.com/D_1-2_2-282_4-67554/ http://www.fordham.edu/halsall/mod/1954-geneva-ind...